Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Bình Giảng Thơ Lu Hà Do Thu Hà Diễn Ngâm Phần 121


Tài Mệnh Tương Đố
“Video 79“

“Hàng cô quả củi rơm thiêu sạch
Tống Giang kia đáng trách làm sao
Một trăm lẻ tám anh hào
Dã tràng xe cát mộ đào huyệt sâu“


Cô có nghĩa là mồ côi, như mồ côi  cha mẹ còn có nghĩa là cô độc, trơ trọi một mình không ai giúp đỡ, không chịu cùng hòa hợp, đứng riêng lẻ một mình, trơ trọi như vì sao cô thần trên bầu trời
Quả có nghĩa là góa chồng, nếu người phụ nữ năm mươi tuổi mà chưa có chồng cũng gọi là quả. Tú có nghĩa là  sao nữ tú. Theo kinh dịch phong thủy thì nam kỵ cô, nữ kỵ quả. Ý Từ Hải muốn nói với Thuý Kiều là Từ muốn lập nên công trạng bá nghiệp lớn thì phải có lắm mưu thần võ tướng chứ không thể như Tống Giang có 108 anh hùng Lương Sơn Bạc mà cũng vẫn phải chịu chết yểu bởi bản tính thư lại nhu nhược. Tuy bận rộn việc quân nhung nhưng Từ Hải rất ưu ái quan tâm đến Kiều, cử những toán quân thám mã tin cậy về tận Bắc Kinh để dò la tin tức đón cả nhà Kiều cha mẹ và hai em.

”Quân thám mã vó câu rong ruổi
Tới Bắc Kinh nguồn cội gia đình
Tường vôi đổ nát điêu linh
Hoang vu vườn thúy rung rinh ngọn đào

Chốn biên ải ra vào nghiêm ngặt
Cảnh phố phường lạnh ngắt như tờ
Thám quân lạc lõng bơ vơ
Trướng loan nức nở thẫn thờ phu nhân“

Trong khi đó quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến tuân theo thánh chỉ của Minh Hoàng Đế kéo đại binh xuống phía đông nam để thảo phạt Nam Triều mà Bắc Triều cho là đám quân phiến loạn là giặc cướp biển.

“Quan tổng đốc trọng thần vâng chỉ
Lo việc quân nghiêm trị đặc sai
Đao thương binh pháp đủ tài
Là Hồ Tôn Hiến việc ngoài đổng nhung

Biết Từ Hải kiêu hùng thế trận
Có nàng cùng bàn luận trung quân
Chiêu an mưu chước quỷ thần
Đẩy xe vàng ngọc đặc ân thiên triều

Sai thể nữ mĩ miều quỳ trước
Có hai tên gấm vóc lụa là
Dụ hàng khuyên nhủ thiết tha
Vàng ròng nguyên khối ngọc ngà phu nhân“

Từ Hải vốn là một thủ lĩnh xuất quỷ nhập thần của một đội quân cướp biển thuộc miền duyên hải Giang Nam. Còn Hồ Tôn Hiến có chức danh là quan tổng đốc, là người đã lập mưu chiêu an như Cao Cầu chiêu an Tống Giang để giết Từ Hải. Cốt truyện được Mao Khôn đã từng phục vụ trong bản doanh của Hồ Tôn Hiến ghi chép lại tỷ mỉ như sau:

Từ Hải cùng Trần Đông, Ma Diệp theo lệnh của Uông Trực, cấu kết với Uy khấu, tổ chức lực lượng chống lại quan quân nhà Minh; lấy Chá Lâm, Sạ Phổ làm căn cứ. Năm Gia Tĩnh thứ 35, Từ, Trần, Ma đưa hơn vạn cướp biển, chia làm 3 cánh tấn công Giang Tô, Chiết Giang

Tổng đốc Giang Tô, Chiết là Hồ Tôn Hiến phái tên thái học sinh La Long Văn làm điệp viên. Hắn vốn là đồng hương với Từ Hải để nằm vùng, tìm cách phá hoại nội bộ. La Long Văn dùng kế ly gián giữa Từ Hải với Trần Đông, Ma Diệp bằng cách tạo ra cảnh ăn chia không đồng đều, tung tin giả khiến cho nội bộ nghi ngờ nhau. Sau khi nắm được thông tin Từ Hải rất thương yêu và nghe lời phu nhân Vương Thúy Kiều, Hồ Tôn Hiến lập tức cho đem thư chiêu hàng cùng rất nhiều châu báu, đồ nữ trang quý giá đến dâng Từ Hải để tỏ thành ý.

Tiếp sau đó, Hồ Tôn Hiến sai mưu sĩ tâm phúc của mình là Hạ Chính đem một bức thư khuyên hàng nhờ Mao Hải Phong viết. Từ Hải thấy con nuôi của đại ca Uông Trực viết thư khuyên hàng. Từ Hải hồ nghi cho người dò la thì hay Uông Trực từng nhiều lần đi lại với triều đình nên có ý ngả lòng. Lúc bấy giờ, Từ Hải đang bị thương, bèn nói với sứ giả rằng:
-"Ta muốn lui binh, ngặt vì quân chia ba lộ, không phải riêng ta quyết được"
Ba lộ là ba cánh quân của Từ Hải, Trần Đông và Ma Diệp. Lúc này, Hạ Chính ra đòn quyết định:
-"Phía bên Trần Đông thì đã có hẹn ước rồi, chỉ còn phía tướng quân mà thôi".

Hồ Tôn Hiến ra yêu cầu với Từ Hải dẹp giặc vùng sông Ngô Tùng để lập công. Giống hệt như Cao Cầu ra lệnh Tống Giang mang quân đi đánh Phương Lạp lúc đó đã có một triều đình riêng đối chọi với nhà Tống. Sau khi dẹp được Phương Lạp, đầu lĩnh Lương Sơn Bạc còn 36 người về kinh đô. Một số người bỏ đi, không theo đoàn quân thắng trận trở về nên chỉ còn 27 người về tới kinh. Tống Giang được phong chức quan cai trị ở Sở Châu. Do bị gian thần hãm hại nên Tống Giang đã chết khi uống phải rượu vua ban có thuốc độc. Tống Giang biết trong rượu có độc, nhưng vì là ngự tửu nên không thể không uống. Tống Giang lo lắng sau khi mình chết thì Lý Quỳ sẽ làm loạn nên mời sang chơi, đổ rượu độc cho Lý Quỳ uống để phòng hậu họa.

 Khi Từ Hải đem quân tấn công nhóm hải khấu ở vùng Chu Kính, giết hơn 30 tên, thì Hồ Tôn Hiến ngầm sai Tổng binh Du Đại Du phục binh sẵn đột kích đánh giết, đốt thuyền.

Dưới nhiều áp lực đến từ trong và ngoài, lại thêm Thúy Kiều khuyên nhủ, lần này Từ Hải quyết ý quy thuận, đưa ra yêu sách về vàng bạc. Hồ Tôn Hiến đều đáp ứng. Từ Hải bèn trả lại hơn 200 tù binh quân triều đình và cho rút quân khỏi Đồng Hương. Quân của Trần Đông đang vây ở đây thấy thế cũng rút lui sau đó một ngày. Để thể hiện quyết tâm hàng phục, Từ Hải cho em trai là Từ Hồng đến làm con tin, đem dâng những vật quý của mình dùng như mão phi ngư, giáp tốt, kiếm báu... cho Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến đãi Từ Hồng rất hậu và ra đề nghị Từ Hải phải bắt giao hai đồng đảng Trần Đông, Ma Diệp thì triều đình mới xét công đầu.

Từ Hải đành ra tay với Ma Diệp trước vì dễ đối phó hơn với Trần Đông. Thuộc hạ của Ma Diệp cũng bị bắt hàng trăm tên. Từ Hải không ngờ rằng, Diệp Ma được Hồ Tôn Hiến thả ra và nhận nhiệm vụ của Hồ Tôn Hiến giao cho là viết một bức thư cho Trần Đông và thuộc hạ kể tội Từ Hải và đề nghị Trần Đông nhanh chóng dốc toàn lực đánh Từ Hải để báo thù.

Thư gửi cho Trần Đông nhưng người nhận được chính là Từ Hải. Hồ Tôn Hiến thực hiện quỷ kế này là sợ Từ Hải phản liên kết trở lại với Trần Đông thì khó đối phó. Từ Hải đọc thư, càng biết ơn Hồ Tôn Hiến đã không nỡ để yên cho Trần Đông thực hiện giết Hải, nên Hải lo tính việc bắt Trần Đông để báo đền. Từ Hải đem nhiều vàng ngọc đến hối lộ em Tát Ma vương dể dụ Trần Đông rồi thừa lúc đêm tối bắt Trần Đông về nộp cho Hồ Tôn Hiến. Trần Đông và Diệp Ma đều bị bắt, các đầu mục dưới quyền đều vừa sợ vừa oán giận Từ Hải, không còn lòng dạ muốn chiến đấu nữa

Sử sách nhà Minh chép: "Hải lập kế trói Trần Ðông đem dâng, mang 500 quân đến Sạ Phố đóng doanh tại Lương Trang; quan quân đến đốt phá sào huyệt Sạ Phố, giết hơn 300 người. Hải xin hàng trong ngày, vội đến trước giờ hẹn, lưu giáp sĩ ngoài thành Bình Hồ, đốc suất tù trưởng hơn 100 tên, đồng phục giáp trụ đi vào. Bọn Văn Hoa sợ, không muốn chấp nhận. Tôn Hiến cưỡng lại cho vào. Hải cúi đầu nhận tội, Tôn Hiến xoa đỉnh đầu Hải phủ dụ.

Hồ Tôn Hiến an trí lực lượng của Từ Hải và Trần Đông ở Trầm Trang, phụ cận Sa Phổ, chia làm Đông – Tây

Dân chúng đều kêu than Hồ Tôn Hiến "dưỡng hổ di họa", đưa giặc về nhà, không biết rằng Hồ Tôn Hiến đã lập sẵn mưu sâu. Từ Hải và Trần Ðông vốn có thâm cừu, nếu ở gần nhau chắc sẽ sinh chuyện. Việc xung đột tất yếu giữa hai bên đã xảy ra như kịch bản của Hồ Tôn Hiến. Trong một đêm tối, quân Trần Đông dốc toàn lực vượt sang tấn công, đốt phá doanh trại Từ Hải. Trong lúc khẩn cấp, Từ Hải sai thủ hạ bí mật dẫn hai thị nữ chạy lánh nạn bị quân Trần Ðông bắt được đưa ngang qua chỗ Từ Hải, bị đâm trúng thương ở đùi, thuộc hạ rối loạn. Sáng hôm sau thì quân triều đình kéo đến vây kín xung quanh, cánh quân Bảo Tịnh tiến đánh trước, quân Hà Sóc thừa thế xông vào.

Hầu hết các sách sử đời Minh đều chép sơ lược về cái chết của Từ Hải và cũng không xác định được Từ Hải chết do bị giết hay tự tử. Mãi đến đầu đời Thanh, trong "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân mới được tiểu thuyết hóa về cái chết của Từ Hải với sự hiện thân của Vương Thúy Kiều.

Hồ Tôn Hiến thực hiện kế ly gián thành công, khiến cho nội bộ tập đoàn hải khấu Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp mâu thuẫn, tự tiêu diệt lẫn nhau. Quân Minh đại thắng, giải quyết được tặc đảng nhiều năm khiến triều đình mất ăn mất ngủ. Bộ tướng của Hồ Tôn Hiến lại bắt sống được em trai Đảo chủ Đại Ngung của Nhật là Tân Ngũ Lang. Chỉ có một số ít tàn quân hải khấu trốn về Chu Sơn. Tôn Hiến lệnh cho Tổng binh Du Đại Du truy kích, nhân ban đêm tuyết rơi đánh úp, đốt sạch trại thuyền. Vùng Triết Giang tạm yên.

Hồ Tôn Hiến cho đem thủ cấp Từ Hải và giải Từ Hồng, Trần Đông, Ma Diệp, Tân Ngũ Lang về kinh đô. Vua Gia Tĩnh rất mừng, cho làm lễ tế cáo thái miếu, các đầu lĩnh hải khấu đều bị xử lăng trì, thăng Hồ Tôn Hiến lên chức Hữu Ðô Ngự sử, ban thưởng vàng bạc.

“Từ công vẫn phân vân do dự
Bấy lâu nay hùng cứ một phương
Tung hoành ngang dọc chiến trường
Văn quan võ tướng chịu nhường nhún ai

Công hầu chi hình hài vóc hạc
Bó thân mình ngơ ngác hàng thần
Láo lơ luồn cúi ôm chân
Sao riêng một cõi hải tần thênh thang

Chọc trời khuấy nước ngang tàng mới
Đấng anh hùng ca ngợi ngàn thu
Tấm gương Phương Lạp oán thù
Chiêu an thủy bạc mịt mù Lương Sơn“

Từ Hải cũng biết cái gương Tống Giang về cái gọi chiêu an quy thuận triều đình nhà Tống vốn dĩ rất hủ bại phong để cho một tên vô lại chỉ giỏi đá cầu lên tới chức thái úy, tướng quốc. Cao Cầu có mối thù với Lâm Sung mà khi bắt sống được Cao Cầu thì Tống Giang ra lệnh thả đi. Giá như Tống Giang thức thời am hiểu chính trị mà liên kết với Phương Lạp cũng xóa sổ nhà Tống có phải là rạch đôi sơn hà. Tống Giang làm hoàng đế một phương còn Phương Lạp một phương có phải tốt hơn không?



Tài Mệnh Tương Đố
“Video 80“

Thúy Kiều dù thông minh tài hoa nhưng chỉ giỏi thơ phú và đánh đàn, không am hiểu chính trị thời cuộc vả lại cuộc đời nàng quá gian nan vất vả mà muốn được yên thân, cốt làm sao tìm lại được gia đình để đoàn tụ mà thôi, nên đã dễ dàng mắc mưu Hồ Tôn Hiến.

“Nàng bởi tại bao cơn sóng gió
Hơn mười năm lệ nhỏ châu sa
Lễ nhiều nài nỉ thiết tha
Biết đâu cặm bẫy mưu tà kế gian

Dễ tin lời tiểu nhân là thật
Nghĩ phận mình lật đật cánh bèo
Đời như chiếc lá hắt heo
Ngày qua tháng lại trôi vèo tuổi xuân

Nay chịu tiếng vương thần hạ cố
Tránh binh đao máu đổ đầu rơi
Tước phong mệnh phụ đến nơi
Dần dà xe ngựa thảnh thơi quê nhà

Mẹ cha cũng cùng ta lên kiệu
Trên dưới là đắc hiếu đắc trung
Còn hơn bể thảm khôn cùng
Con thuyền vô định hãi hùng cỏ cây“

Thúy Kiều chắc cũng biết trong lịch sử từng có một ngã khâu giày đan chiếu như Lưu Bi cũng làm nên nghiệp đế vương huống chi là Từ Hải, côn quyền dư sức lược thao gồm tài đáng lý phải giúp chồng như Hoàng Nguyệt Anh còn gọi là A Sửu cô nương vợ Khổng Minh được miêu tả có dáng người cao, thon thả trắng trẻo nhưng có vết chàm nửa mặt rất khó coi lúc nào cũng đeo mạng che mặt.

Tương truyền vì sự thông minh hiểu biết của bà mà Khổng Minh Gia Cát Lượng đã quyết định lấy bà làm vợ. Gia Cát Lượng trong lần đầu tới cầu hôn, cô gái xấu xí đã tặng chàng một cái quạt lông và hỏi:
- "Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt lông không?"
Gia Cát Lượng trả lời:
- "Là lễ nhẹ mà nghĩa tình thì nặng phải chăng?"
 A sửu cô nương nói:
-"Còn ý nghĩa thứ hai?"
Gia Cát Lượng suy nghĩ mà không thể giải đáp. A sửu nói tiếp:
-"Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện ngài nói tới Tào Tháo Tôn Quyền thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt lúc đó"

 Chính là A sửu cô nương thông minh hiểu chuyện, biết đại trượng phu khi làm việc tập trung khí lực, không thể để tình cảm xao động, càng không thể để người ta phát hiện, nếu không đại sự tất không thành . Đó cũng chính là lí do sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về rồi quạt lông vẫn không rời tay.

Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ rất dịu dàng và chu đáo. Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn,mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả, vợ chồng kính nhau như khách, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có nàng làm hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị .

Thế mới biết câu “tề gia trị quốc bình thiên hạ” là có cơ sở... Người đàn ông phải làm cho yên ổn chuyện gia thất mới có thể ra ngoài trị nước cứu đời. Hoàng Nguyệt Anh đã làm thay cho Gia Cát Lượng nhiệm vụ đảm đang việc nhà nuooii dạy con cái để ông chuyên tâm giúp đỡ Lưu Bị

Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có tài hoa xuất chúng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bát quái ngũ hành, kỳ môn độn giáp, ngay cả binh pháp, thứ chỉ dành cho đấng mày râu nàng cũng rất am hiểu . Gia Cát tiên sinh tinh thông binh pháp, ít nhiều phải kể đến công lao của vợ. Một phát minh như: mộc ngưu lưu mã, nỏ liên châu bắn ra trăm phát là của vợ Khổng Minh. Tóm lại Hoàng Nguyệt Anh là một hậu phương vững chắc và trợ thủ đắc lực của Gia Cát Lượng, góp phần không nhỏ vào các thành công của ông sau này. Bà có vị trí và vai trò không nhỏ đối với bản thân cũng như sự nghiệp của Gia cát Lượng. Tiếc thay nàng Kiều không có cái tài thông thiên đảm lược như Hoàng Nguyệt Anh hay như Lữ Hậu vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang.

“Nàng không biết bện dày bán chiếu
Lưu Bị xưa hiệu triệu tam quân
Dễ đâu chịu tiếng vương thần
Huống chi Từ Hải nửa phần giang san

Cũng thánh chỉ quan văn tướng võ
Cũng hoàng bào rạng rỡ như ai
Tam cung lục viện một mai
Lên ngôi hoàng hậu gót hài phỉ phong

Khi bàn bạc bố phòng thế trận
Nàng thừa cơ nói lấn chen vào
Nào là thánh trạch dồi dào
Nhờ ơn mưa móc thấm vào đã lâu

Ai cũng đội trên đầu ân đức
Việc binh đao hao sức tốn công
Xương khô thân xác chất chồng
Ngàn năm ai oán máu sông Hoàng Sào

Sao bằng lộc uy quyền cao ngất
Công danh ai dám giật bằng ta
Êm tai giọng nói đàn bà
Đang hăng Từ mới xoay ra chịu hàng

Từ thăng đường vội vàng mũ áo
Tiếp sứ ngay các đạo giải binh
Ngây ngô Minh đế trọng mình
Hổ oai võ tướng triều đình vẻ vang“

Đang lúc Từ Hải nản chí Kiều phải biết động viên chồng, đáng lý bàn vào thì nàng lại bàn ra, còn mang chuyện Hoàng Sào ra để mỉa mai. Tài ba của Hoàng Sào thì Kiều còn mù mịt. Tống Giang tưởng là anh hùng cái thế nhưng tính tình lại nhu nhược như đàn bà.  Khi gặp nhau ở quán rượu chính Phương Lạp là người hiểu rõ tài năng và cái chí của Tống Giang có hạn, đã nói thẳng cho Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng biết rõ về con người thư lại quen cạo giấy của Tống Giang. Không có chí làm vương đế mà chỉ có chí làm nô tài cho người ta. Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng trót theo đại ca Tống Giang rồi nên không muốn phản bội tình nghĩa huynh đệ mà theo phò Phương Lạp.

14.12.2019 Lu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét