Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Tôi Đã Hiểu Chuyện (6)


Truyện kể của Lu Hà phần 6

Cứ đến kỳ đi mua gạo, là ngày đó đối với tôi vui như trẩy hội. Tôi huýt sáo vang như con chim sáo nhảy trên đường vàng. Tôi được cấp cuốn sổ gạo, và cô tôi dẫn tôi cùng đi mua gạo, cô tôi gánh gạo còn tôi chỉ đi theo làm vệ sĩ tí hon để bảo vệ cái sổ gạo. Ngày đó sổ gạo chỉ được cấp cho cán bộ công nhân viên chức, vì tôi có hộ khẩu ở Hà Nội nên được đong gạo nhà nước. Thày giáo I là hiệu trưởng của trường cấp 2 Minh Tân, vì thày có bệnh đau dạ dày kinh niên nên đáng lý phải mua ngô ăn độn thì thày được nhà nước ưu ái bán cho mấy cân bột mỳ, hình như tiêu chuẩn của thày mỗi tháng là 15 kg kể cả mua độn thêm, chứ không được cả 15 kg gạo trắng. Ví dụ 15 kg thì được mua 10 kg gạo, còn 5 kg ngô, nhưng thày được mua 5 kg bột mỳ, còn tiêu của tôi 13 kg thì được mua 10 kg gạo và 3 kg bột mỳ, vì còn là trẻ em, dạ dầy yếu không thể ăn ngô hay hạt bo bo gì đó. Cái sổ gạo ngày đó quý lắm, nên có câu làm gì mà ngẩn ngơ thẫn thờ như mất sổ gạo.


Tính tôi rất hiếu động suốt ngày chơi khăng đánh đáo, đứa nào gây sự ăn gian là tôi uýnh lại liền. Nhưng tôi lại rất quý các em ruột của tôi, cả đời tôi không hề đánh đứa em nào dù chỉ là nửa cái tát. Tôi có 3 thằng em trai, đứa thứ hai tôi được tận mắt chứng kiến nó ra chào đời, còn hai đứa thứ ba và thứ tư sinh ra ở Hà Nội thì khi đó tôi vẫn ơ quê với ông bà. Lúc đầu tôi thích em bé do bản năng sau này là do ảnh hưởng của các cuốn tiểu thuyết dã sử, võ hiệp mà cảm cái tình huynh đệ trong giới cao thủ võ lâm giang hồ.

Thằng em thứ hai được tôi cõng lên lưng vào ngày tết, tôi đưa nó sang nhà hàng xóm chơi rồi đặt nó đứng ở bờ hè để đốt pháo với những đứa trẻ khác, chả may trúng phải tổ kiến vàng khóc thé lên, sưng chân đỏ tấy, sau này bị mưng mủ lở loát chữa mãi mới khỏi.

Trong thời kỳ Mỹ cho không quân bắn phá miền Bắc để chặn bước tiến của quân đội cộng sản xâm chiếm miền Nam thì mẹ lại gửi cả 3 đứa em về quê. Hàng ngày tôi giúp bà chăm sóc các em, tôi thích đọc truyện, có lần dì tôi đi làm đồng về nói đùa với bà nội tôi. Thằng cháu trưởng của cụ nó giỏi thật, một lúc nó có thể làm được 3 việc: bế em, đọc truyện và đứng đái.

Năm học lớp 7 ở trong xã thày Ch giáo viên dạy toán thường đến thăm nhà cô tôi là con gái ông bà G, cũng là hàng xóm, vì cô là bí thư đoàn trường, thày lại được ban giám hiệu cử ra phụ trách đoàn. Tính thày vui nói chuyện rất có duyên, rất khôi hài. Thày kể rằng: Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy là người miền Nam, vì ở trong Nam dưới chế độ kìm kẹp của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn anh không được đi học, phải vào trong mật khu được các cô các chú trong mặt trận giải phóng dạy chữ cho, khi ra Bắc trình độ của anh tương đương lớp 3. Anh được tuyển là phi công anh đã đạt kỷ lục bảy ngày bảy lớp, nên mới có tên là 7.
Tôi chỉ nghe bán tín bán nghi, làm gì mà có người thông minh tuyệt đỉnh như vậy, có khác chi thần thánh, như Thánh Gióng tái sinh. Anh Bảy có tài ngọa hổ tàng long giống như anh hùng Núp của nhà văn Nguyên Ngọc trên không. Anh Bảy đáp máy bay lên vùng mây đặc quánh, lấy ống điếu thuốc lào rít một hơi dài thở ra khoan khoái, rồi tắt máy lim dim mắt đợi giặc. Khi có máy bay địch bay qua, ai vội vàng mở máy và lao xuống bắn xối xả vào máy bay địch. Với chiến thuật độc đáo hiểm hóc này, anh Bảy đã hạ nhiều máy bay địch.

Tôi nghĩ tên bảy chưa hẳn đã là 7 ngày lên bảy lớp, vì người miền Nam cứ sinh con cả gọi là anh hai, rồi ba, tư, năm, sáu, bảy. Gọi là bác bảy, chú báy, cậu bảy, anh bảy, cô bảy, thím bảy, chị bảy tức là con thứ sáu trong nhà.

11.6.2019 Lu Hà







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét