Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 65
“Dân bị ép tận cùng dầu mỡ
Khô xác ve nức nở đọa đày
Mưa dầm nắng dãi lắt lay
Tan đàn sẻ nghé đắng cay nỗi niềm
Giặc Khiết Đan gọng kiềm xích sắt
Sưu thuế cao xiết chặt đôi vai
Bầy đàn xu nịnh lâu đài
Tai ương reo rắt trong ngoài lấn chen
Gió đồng nội bao phen cỏ lác
Vong quốc nô ngơ ngác đất trời
Ngựa xe đao kiếm muôn nơi
Đất đai giành giật tả tơi xác người
Khí hôn quân chơi vơi quang nhạc
Sấm mùa đông hạ lạc tuyết bay
Năm giềng ba mối heo may
Sống thừa Y Phó loay hoay cuốc bờ
Ta là kẻ bơ vơ xứ sở
Phải cúi đầu tôi tớ người ta
Còn đâu lãnh thổ sơn hà
Vợ con thất lạc cửa nhà nát tan
Chịu cơ cầu bần hàn sớm tối
Cứu dân nghèo lặn lội đó đây
Mặn mòi như bát nước đầy
Nỗi lòng ai oán canh chầy thở than
Phận lương y chứa chan tình nghĩa
Dân tộc mình thấm thía tử sinh
Trí quân hai chữ điêu linh
Trạch dân đau đớn thân hình dở dang
Suốt năm canh mơ màng thổn thức
Giọt lệ rơi nao nức sóng dồi
Tự do đôi cánh bồi hồi
Lồng son cũi sắt phận tôi chúa người
Thà đui mù thảnh thơi cất bước
Dù kẻ thù bạo ngược nhiễu nhương
Còn đâu trật tự kỷ cương
Bàng môn tả đạo bất lương hoành hành
Chẳng thấy cảnh dân lành tang tóc
Giặc xâm lăng cướp bóc thẳng tay
Thái y nô bộc hàng ngày
Tham chi chức ấy đọa đày não thân
Quyết giữ trọn tinh thần thể xác
Sống làm chi nhận giặc làm cha
Bán hồn cho quỷ ác ma
Mù lòa trọn nghĩa ông cha đạo nhà
Danh tiếng giữ thiên hà sông núi
Chẳng hổ lòng luồn cúi ngoại xâm
Cha con cốt nhục tình thâm
Còn hơn sáng mắt nhẫn tâm lạc loài
Sáng đôi mắt tham tài đắm sắc
Thói a dua ngơ ngác hàng thần
Quan nha cầu cạnh hại dân
Vào ra luồn cúi Nữ Chân cáo chồn
Y Phó còn gọi là Y Doãn một tướng nhà Thương trong lịch sử China (Tàu). Ông có công giúp Thành Thang
tiêu diệt nhà Hạ, thành lập nhà Thương và phò trợ với vai trò nhiếp chính của
nhà Thương ổn định trong thời gian đầu.
Trong lịch sử Y Doãn cùng với Hoắc Quang thời nhà Hán được
xưng tụng là hai đại thần nhiếp chính phế lập vua nhưng được ca ngợi, gọi là Y
Hoắc.
Sử sách chép chưa hoàn toàn thống nhất về lai lịch của Y
Doãn. Sử ký Tư Mã Thiên nêu ra những thuyết khác nhau về việc Y Doãn đến với
Thành Thang. Có thuyết cho rằng thời đó có một bộ lạc là Hữu Sằn gả con gái cho
Thang, đi theo hầu có một người hầu là Y Doãn. Thấy Y Doãn có tài, Thương Thang
liền cho làm hữu tướng. Tuy nhiên, Sử ký cũng dẫn thuyết khác cho rằng, Y Doãn
là ẩn sĩ, Thành Thang nghe tiếng sai người đến mời 5 lần, Y Doãn mới nhận lời
ra giúp. Thuyết này có nhiều điểm tương đồng với lai lịch Y Doãn được ghi chép
trong truyện Phong thần diễn nghĩa. Tại hồi thứ nhất Trụ Vương tế miễu bà Nữ
Oa, sách chép rằng: "Thành Thang là người nhân đức và trung hậu, nghe đồn
ông Y Doãn là người tài trí, thất thời, ẩn cư cày ruộng nơi Sằn Dã, liền đến rước
về, dâng cho vua Kiệt, nhà Hạ dùng. Ấy vì lòng trung, Thành Thang không dám
dùng riêng người tài cho mình. Ai ngờ vua Kiệt bất trí, không biết dùng người
tài, nghe lời dua mị, không trọng dụng Y Doãn, Y Doãn bỏ vua Kiệt trở về với
Thành Thang."
Còn có sách khác chép rằng, Y Doãn đã bỏ Thương sang làm quan
cho Hạ Kiệt, nhưng sau đó thấy Kiệt hoang dâm tàn bạo, khinh rẻ chư hầu nên Y
Doãn trở lại với Thành Thang. Thành Thang vẫn một lòng kính trọng và trọng dụng
Y Doãn. Có ý kiến rất khác biệt, căn cứ vào Trúc thư kỉ niên, một cuốn biên
niên sử cổ của nước Ngụy thời Chiến Quốc được phát hiện năm 281 đời Tây Tấn: Y
Doãn thực chất được Thành Thang cử sang làm gián điệp bên nhà Hạ, lợi dụng sự bất
mãn của nàng Muội Hỷ khi nàng không còn được Hạ Kiệt sủng ái để lấy tin tức về
tình hình Hạ Kiệt. Sau khi nắm được nội tình nhà Hạ, Y Doãn trở về với Thành
Thang.
Ngoài ra, Thành Thang còn thu dụng một người ở bộ lạc khác đến
là Trọng Hủy, cho làm tả tướng. Y Doãn và Trọng Hủy được giao trọng trách xử lý
công việc trong bộ lạc, đó là việc trái với thông lệ nhiều đời chỉ bó hẹp quyền
hành trong tay những người nội tộc của nước Thương.
Y Doãn bày kế cho Thương Thang tranh thủ liên minh với các bộ
tộc miền hạ lưu sông Hoàng Hà để có vây cánh chống nhà Hạ; sau đó thực hiện việc
thanh trừ các bộ tộc thân với nhà Hạ như Cát, Côn Ngô, Bính Chướng Vi. Trong
khi đó Hạ Kiệt vẫn say mê tửu sắc, không quan tâm tới chính sự.
Theo kế sách của Y Doãn, Thương Thang bắt đầu khiêu chiến với
nhà Hạ, bỏ không nộp cống cho Hạ Kiệt. Hạ Kiệt nổi giận điều động binh mã 9 bộ
tộc phía đông trước sau đánh vào bộ lạc Thương. Thành Thang bèn sai người đến nộp
cống. Thấy Thang thuần phục, Kiệt cho lui quân.
Sang năm sau, Thang lại bỏ cống nạp. Hạ Kiệt lại tổ chức hội
các bộ lạc phụ thuộc ở Hữu Nhung đánh Thương, nhưng lần này các bộ lạc không
nghe theo. Bộ lạc Mân lên tiếng phản đối, Hạ Kiệt bèn mang quân đánh Mân trước.
Khi Kiệt bị sa lầy vào cuộc chiến với tộc Mân, Thang ra quân diệt Hạ. Thương
Thang đánh thắng Hạ Kiệt trong trận quyết định ở Minh Điều. Hạ Kiệt thua trận,
bị mất ngôi và bị đày ra Nam Sào.
Sau khi nghe Y Doãn báo cáo tình hình các chư hầu đã quy phục,
Thương Thang trở về đất Thái Quyển, chính thức lên ngôi vua, lập ra nhà Thương.
Còn theo sách Phong thần diễn nghĩa, vua Kiệt càng ngày càng
bạo tàn, vô đạo. Gián quan Long Phùng khuyên can thì bị vua giết hại, Thành
Thang sai người khuyên can vua thì vua bắt giam ông tại Hạ Đài suốt một thời
gian mới thả về. Về sau, nhờ tài đức của mình, thiên hạ đều khen tụng Thành
Thang, hơn bốn mươi nước đều theo về trướng. Ông Thành Thang được Y Doãn phò trợ,
đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào, sau đó lên ngôi Thiên tử, lập kinh đô nơi đất
Bạt vào năm Ất Mùi, mở đầu nhà Thương.
Thành Thang làm vua không lâu, thì qua đời. Vì Thái tử Thái
Đinh mất sớm trước Thành Thang nên con thứ của Thang là Ngoại Bính được Y Doãn
lập làm vua. Nhưng Ngoại Bính cũng qua đời, Y Doãn lại lập em Ngoại Bính là Trọng
Nhâm lên ngôi. Chỉ được 4 năm, Trọng Nhâm lại mất, khi đó con thái tử Thái Đinh
là Thái Giáp đã lớn nên Y Doãn lập Thái Giáp lên ngôi.
Y Doãn là nguyên lão 4 triều vua, làm phụ chính, dạy dỗ vị
vua trẻ rất cẩn thận. Ông nói với Thái Giáp:
-"Bậc đế vương phải yêu dân, càng phải chăm chỉ học tập
tinh thần trị nước của tổ phụ Thang".
Ông còn lấy bài học của Hạ Kiệt mất nước để khuyên răn Thái
Giáp. Tuy nhiên, Thái Giáp từ nhỏ sống trong cảnh quyền quý, chỉ hưởng lạc mà
không làm việc. Thái Giáp không nghe những lời dạy của Y Doãn, vẫn chơi bời
phóng túng. Thấy Thái Giáp như vậy, Y Doãn quyết định dùng biện pháp mạnh: ông
đày vua đến Đổng Cung gần lăng miếu của Thành Thang và tự mình nắm quyền chính.
Ông còn sai người đến giám sát Thái Giáp để vua suy nghĩ và tỉnh ngộ.
Sau 3 năm, Thái Giáp hiểu ra sai lầm của mình, quyết tâm sửa
chữa khuyết điểm. Khi thấy Thái Giáp biết tu tỉnh, Y Doãn đích thân đến đón rước
vua về kinh đô và trao lại quyền hành cho Thái Giáp. Thái Giáp trở thành một vị
vua giỏi của nhà Thương. Tương truyền Y Doãn sống hơn 100 tuổi mới mất. Công
lao khai quốc và dìu dắt vua nhỏ, giúp cho một triều đình mới thành lập được ổn
định, tạo cơ sở tồn tại lâu dài của ông được đời sau nhắc đến rất nhiều. Y Doãn
cùng Chu Công Đán nhà Chu trở thành những tấm gương mẫu mực về trung thần phò ấu
chúa trong lịch sử China.
Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 66
“Lũ ươn hèn luồn trôn cẩu tặc
Sống làm chi reo rắc thị phi
Bon chen nhân nghĩa bỏ đi
Thảo ngay chẳng biết tôn ti khinh thường
Trái thiên luân bất lương vô đạo
Bầy hắc nô điên đảo thế nhân
Ta đây giữ trọn tinh thần
Thà cùng tạo hóa phong trần hư vô
Gọi Đạo Dẫn dặn dò sau trước
Nối nghiệp thày cốt được lòng dân
Anh em non nước xa gần
Lương y từ mẫu cứu nhân độ người
Phận ta già thảnh thơi ngày tháng
Chẳng bận lòng cay đắng xót xa
Lánh xa thế tục quan hà
Lần hồi sớm tối bóng tà tịch dương
Ngư, Tiều hỏi Thanh Phong Minh Nguyệt
Rằng hai ông chẳng biết làm sao
Khoanh tay giọt lệ ứa trào
Ý thày đã quyết nghẹn ngào triết nhân
Thày chẳng những bảo thân giữ đạo
Lại khen người chu đáo vẹn toàn
Y lời thánh đức hiền nhân
Nước an kẻ trí, loạn thần giả ngu
Xưa cũng lắm đui mù câm điếc
Gỉa ốm đau chẳng tiếc thân mình
Lánh xa bổng lộc triều đình
Hôn quân vô đạo dân tình lầm than
Nay phải buổi gian nan xã tắc
Hoa mão di lầm lạc phai mầu
Nắng mưa cây cỏ dãi dầu
Xuân Thu giữ phép mái đầu bạc phơ
Sống chẳng để nhuốc nhơ tiên tổ
Chớ coi thường ngồi đó đui rồi
Hôn quân đạo tặc mấy hồi
Trời con hơi chính gửi đôi mắt thầy
Đợi thúc quý tan mây quang đãng
Sông sẽ trong biển lặng bao la
Mắt thày tức khắc sáng ra
Thanh Phong Minh Nguyệt thiết tha tặng người
Thuở tinh chiên cảnh đời tao loạn
Truyện trăm nhà đại nạn tha phương
Mấy ai trọn dấu thư hương
Tròng đôi mắt thịt tấm gương đạo nhà
Tần đế nhường danh gia họ Lỗ
Hán vương đâu biết rõ thầy Trương
Thôi đành ẩn dật tìm đường
Kiền khôn một túi bốn phương cậy nhờ
Thấy hai lão làm thơ đường luật
Tỏ lòng thành chân thật xiết bao
Nhân Sư đáng bậc nho hào
Ngư Tiều ngưỡng mộ dạt dào mưa sa
Danh gia họ Lỗ hay họ Lã tức Lã Bất Vi là một thương nhân người nước Vệ, sau trở thành Tướng
quốc của nước Tần thời Chiến Quốc. Ông nổi tiếng trong lịch sử về buôn quan bán
tước, xoay trở từ người buôn bán bình thường trở thành một chính trị gia có ảnh
hưởng.
Xuất thân từ thương gia, ông được chọn giữ chức Tướng quốc
trong 13 năm cho nước Tần, trở thành một chính trị gia trứ danh đương thời. Với
tư tưởng Kiêm Nho Mặc, hợp Danh Pháp, ông hợp lực biên soạn nên Lã Thị Xuân
Thu, chủ trương chính trị một cách rất có bài bản. Những thành quả này khiến
ông trở thành một biểu tượng của phái Tạp gia - một trong Cửu Lưu thập gia thời
Tiên Tần. Khi giữ chức, ông chủ trương đánh chiếm Đông Chu, Triệu cùng Vệ, mở
Tam Xuyên, Thái Nguyên và Đông Quận, đối với cơ nghiệp nhà Tần có thành quả lớn
lao. Sau cùng, vì sự vụ Lao Ái mà Lã Bất Vi bị liên lụy, cuối cùng bị chính
Doanh Chính ép buộc uống thuốc độc tự sát.
Có thuyết nói rằng ông là cha của Doanh Chính, tức Tần Thủy
Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, song thuyết này vẩn chưa được kiểm
chứng và còn nhiêu điểm mâu thuẫn. Các giáo sư John Knoblock và Jeffrey Riegel,
trong bản dịch Lã Thị Xuân Thu của họ, gọi câu chuyện này "rõ ràng là sai,
nhằm mục đích phỉ báng Bất Vi và xúc phạm Hoàng đế đầu tiên
Lã Bất Vi là người nước
Vệ, nay thuộc khu vực phía Nam của Bộc Dương, tỉnh Hà Nam. Sách Chiến Quốc sách
lại nói ông sinh ra ở Dương Địch ở nước Hàn. Xuất thân tầm thường, Lã Bất Vi là
một thương nhân, nhờ buôn bán thành công nên rất giàu có.
Năm thứ 40 trước công nguyên đời Tần Chiêu Tương vương , Điệu
Thái tử mất. Năm thứ 42 , ngôi Thái tử còn khuyết, nên Tần vương cho con thứ là
An Quốc quân Doanh Trụ làm Thái tử. An Quốc quân có hơn 20 người con và nhiều vợ,
trong đó người vợ được yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương
phu nhân. Phu nhân không có con, mà một người con của An Quốc quân là Dị Nhân
sinh ra bởi thị thiếp Hạ Cơ không được yêu quý, nên Dị Nhân phải làm con tin của
Tần ở nước Triệu. Tần mấy lần đánh Triệu, nên Triệu bạc đãi Dị Nhân.
Lã Bất Vi ở Hàm Đan nước Triệu, trông thấy Dị Nhân bèn nảy ra
ý muốn giúp Dị Nhân làm người kế nghiệp nước Tần để bản thân mình tiến thân,
bèn chủ động kết giao với Dị Nhân. Lã Bất Vi đưa cho Dị Nhân năm trăm cân vàng
tiêu dùng và đãi tân khách. Rồi lấy tiền mua của báu vật lạ, đem sang Tần, xin
ra mắt người chị Hoa Dương phu nhân để dâng những vật ấy cho Hoa Dương phu
nhân. Nhân đó, Lã Bất Vi kể Dị Nhân tài giỏi, khôn ngoan, giao với người các nước,
bạn hữu khắp thiên hạ. Hoa Dương phu nhân không có con, Bất Vi khuyên nhận Dị
Nhân làm con nuôi. Hoa Dương phu nhân nghe theo, vào xin An Quốc quân lập Dị
Nhân làm thừa tự. Danh tiếng Dị Nhân từ đó càng nổi với chư hầu.
Bấy giờ, Lã Bất Vi có một người thiếp là Triệu Cơ, đàn hay
múa giỏi và có nhan sắc. Một hôm, Bất Vi mời Dị Nhân đến nhà, sai Triệu Cơ ra
rót rượu. Dị Nhân đem lòng say mê, Lã Bất Vi liền dâng Triệu Cơ cho Dị Nhân.
Năm Chiêu Tương vương thứ 48 trước công nguyên vào tháng giêng, Triệu Cơ sinh hạ
một con trai, chính là Doanh Chính.
Năm thứ 50 đời Chiêu Tương vương, nước Tần sai Vương Ý vây
Hàm Đan, triều đình nước Triệu muốn giết Dị Nhân. Biết được tin, Dị Nhân cùng
Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát Triệu. Triệu
muốn giết vợ con Dị Nhân, nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn
được vì thế mẹ con đều sống.
Tần Chiêu Tương vương mất. Sau một thời gian để tang cha,
sang năm sau An Quốc quân lên làm Tần vương, tức là Tần Hiếu Văn vương, lập Hoa
Dương phu nhân làm Vương hậu, Dị Nhân (lúc này đã đổi tên thành Tử Sở) do đó trở
thành Thái tử.
Sau 6 năm cách biệt, Triệu Cơ cùng con là Doanh Chính được
đón về nước Tần. Nhưng Hiếu Văn vương lên ngôi được 3 ngày đã mất. Thái tử Tử Sở
lên thay, tức là Tần Trang Tương vương, tôn mẹ nuôi là Hoa Dương hậu làm Hoa
Dương Thái hậu, mẹ đẻ Hạ Cơ là Hạ Thái hậu. Có ý kiến cho rằng chính Bất Vi chủ
mưu hại vua Tần để Tử Sở sớm lên thay ngôi.
Tần Trang Tương vương liền phong cho Bất Vi làm Tướng quốc,
tước hiệu Văn Tín hầu , được ăn thuế 100.000 hộ thực ở quận Hà Nam, Lạc Dương.
Trang Tương vương làm vua được 3 năm thì mất, Thái tử là Chính lên ngôi, gọi là
Tần vương Chính, tức Tần Thủy Hoàng sau này, tôn Lã Bất Vi làm Trọng phụ.
Khi lên nắm phụ chính, Lã Bất Vi chủ trương mở rộng cương thổ
của nước Tần, gây chiến và tranh giành ảnh hưởng đối với Đông Chu, Triệu cùng
nước Vệ, chiếm đại lượng thành trì, làm cơ sở cho nước Tần về sau thống nhất
thiên hạ. Bấy giờ ở Ngụy có Tín Lăng quân Nguỵ Vô Kỵ, ở Sở có Xuân Thân quân
Hoàng Yết, ở Triệu có Bình Nguyên quân Triệu Thắng, ở Tề có Mạnh Thường quân Điền
Văn, tất cả đều đua nhau quý kẻ sĩ, chiều tân khách. Lã Bất Vi thấy Tần mạnh mà
mình không bằng họ nên xấu hổ cũng đón mời các kẻ sĩ đãi rất hậu, khách ăn
trong nhà có đến ba nghìn. Khi ấy chư hầu có nhiều biện sĩ, như bọn Tuân Khanh
làm sách truyền bá ra thiên hạ. Bất Vi bèn sai các khách soạn ra những điều
mình biết, họp lại làm tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho
là đủ hết những việc trời đất, muôn vật xưa nay. Ông đặt tên sách là Lã Thị
Xuân Thu bày ở cửa chợ Hàm Dương, đặt nghìn lạng vàng lên trên, mời các du sĩ của
chư hầu ai có thể thêm bớt một chữ thì xin biếu một nghìn lạng vàng.
Trong cung, Lã Bất Vi hay cùng mẹ của Tần vương là Triệu Cơ
tư thông. Khi Tần vương Chính đã lớn mà Thái hậu cứ dâm loạn mãi, thì Lã Bất Vi
sợ lộ mà mang vạ, bèn ngầm tìm một người có dương vật lớn tên Lao Ái, để chiều
lòng Thái hậu thay mình. Quả nhiên Thái hậu nghe chuyện rồi, Lã Bất Vi vờ sai
người tố cáo y phạm tội đáng thiến. Sau đó, Bất Vi lại báo với thái hậu:
- "Nên có kẻ giả bị thiến này làm chức Cấp Sự
trung".
Thái hậu bèn ngầm cho kẻ coi việc thiến nhiều tiền. Viên quan
coi án lại luận tội vờ, nhổ râu mày làm cho hoạn quan nhờ vậy được vào hầu Thái
hậu. Thái hậu cùng y gian dâm, sinh được hai đứa con, sợ người ta biết chuyện,
bèn vờ xem bói nói nên tránh mùa dời cung sang đất Ung.
Năm thứ 9 đời Tần vương Chính, có kẻ phát giác Lao Ái thực
không phải là hoạn quan, thường tư thông với Thái hậu, sinh hai con đều dấu đi.
Tần vương Chính liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình.
Việc liên quan đến Tướng quốc là Lã Bất Vi. Tháng 9, Tần vương cho người giết 3
họ nhà Lao Ái, lại giết hai con do Thái hậu đẻ ra và đày Thái hậu sang đất Ung.
Nhà cửa các môn hạ của Lao Ái đều bị tịch thu và họ bị đày sang đất Thục. Tiếp
đến, Tần vương muốn giết cả Tướng quốc Lã Bất Vi, nhưng vì Bất Vi thời trước có
công lớn, lại được các tân khách, biện sĩ nói giúp khá đông nên không nỡ làm tội.
Sau đóTần Vương cách chức Tướng quốc của Lã Bất Vi. Đến khi
người Tề là Mao Tiều thuyết vua Tần, vua Tần mới sang Ung đón Thái hậu về Hàm
Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín hầu Lã Bất Vi ở Hà Nam. Được hơn một năm,
các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín hầu lũ lượt ở trên đường.
Doanh Chính sợ Văn Tín hầu làm loạn, bèn viết thư nói:
-“Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế
của mười vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần, mà hiệu là Trọng Phụ?”
Rồi bắt đem cả nhà Bất Vi dời sang Thục nay là vùng Tứ Xuyên.
Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết, bèn uống thuốc độc tự tử. Khi đó, ông tầm 57 tuổi.
13.5.2020 Lu
Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét